Lĩnh vực Chuyên môn và Kinh nghiệm hành nghề
Luật sư Đinh Ánh Tuyết là luật sư sáng lập và điều hành Văn phòng Luật sư IDVN, đã có hơn 20 năm kinh nghiệm hành nghề trong lĩnh vực luật đầu tư, thương mại quốc tế và giải quyết tranh chấp tại Việt Nam và quốc tế. Lĩnh vực chuyên môn của Luật sư Tuyết bao gồm luật thương mại quốc tế (các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, trợ cấp và các biện pháp tự vệ), doanh nghiệp và đầu tư, M&A và giải quyết tranh chấp bao gồm giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước, trọng tài thương mại, tranh tụng tại Tòa án và hòa giải.
Trước khi thành lập IDVN, Luật sư Tuyết đã làm việc cho một số hãng luật nước ngoài tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Hiện tại, bà Tuyết vẫn đang hợp tác toàn diện với nhiều hãng luật và luật sư hàng đầu thế giới, trong đó có hãng luật Curtis, Mallet-Prevost, Colt & Molse LLP (Curtis).
Trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp giữa Nhà đầu tư và Nhà nước (ISDS),Luật sư Tuyết là một trong số rất ít các luật sư Việt Nam có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực tranh chấp đầu tư quốc tế bao gồm quy tắc UNCITRAL và ICSID Additional Facility Rules. Bà Tuyết thường được mời tham gia giảng dạy về các hiệp định đầu tư quốc tế và giải quyết tranh chấp quốc tế cho sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội, và khóa đào tạo dành cho các công chức, cán bộ Nhà nước cũng như các đào tạo khác dành cho luật sư. Bà Tuyết cũng được mời tham gia trình bày tại các hội thảo tại Việt Nam và Đài Loan về hiệp định đầu tư quốc tế và ISDS. Hiện tại, Bà Tuyết đang là luật sư trong nước cùng đại diện cho Chính phủ Việt Nam (cùng với Luật sư Curtis) trong các vụ việc sau đây:
1) Tranh chấp dự án bất động sản phát sinh từ Hiệp định thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được giải quyết theo thủ tục tố tụng UNCITRAL;
2) Tranh chấp phát sinh từ Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, được giải quyết theo thủ tục tố tụng UNCITRAL;
3) Tranh chấp phát sinh từ Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc được giải quyết theo thủ tục tố tụng ICSID Additional Facility Rules (ICSID Case No. ARB(AF)/18/2).
Trong lĩnh vực trọng tài thương mại, Luật sư Tuyết đã có kinh nghiệm hoạt động với cả tư cách luật sư đại diện và trọng tài viên trong rất nhiều vụ việc được xét xử tại VIAC. Đáng chú ý, Bà Tuyết đã tham gia với tư cách luật sư đại diện một công ty Nhà nước của Việt Nam và một công ty Hoa Kỳ; là Trọng tài viên trong một vụ việc tranh chấp phát sinh từ CISG giữa một công ty Pháp và một công ty thương mại Việt Nam; và là trọng tài viên xét xử vụ tranh chấp giữa một công ty thuê nhà xưởng (Trung Quốc) và một công ty Việt Nam. Bà Tuyết cũng là Chủ tịch Hội đồng Trọng tài trong vụ tranh chấp giữa một công ty lớn có vốn đầu tư Nhật Bản và một công ty tư nhân Việt Nam.
Trong lĩnh vực thương mại quốc tế, bà Tuyết đã tham gia hơn 20 vụ việc tranh chấp thương mại quốc tế theo các Hiệp định WTO và luật pháp Hoa Kỳ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia và Việt Nam. Bà Tuyết có kinh nghiệm đại diện Chính phủ Việt Nam trong rất nhiều vụ việc điều tra và tranh chấp thương mại với các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Australia, EU; đại diện các công ty Việt Nam có vốn Nhà nước trong lĩnh vực thép; đại diện các công ty tư nhân trong các lĩnh vực như thép, thủy sản, nhựa; và đại diện các tập đoàn đa quốc gia trong các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp và các biện pháp tự vệ. Khách hàng của bà Tuyết có thể kể đến Công ty Jindal Stainless Steel, Bahru Stainless Steel (Acerinox Group), VASEP, Minh Phú, Vĩnh Hoàn Corp., Hoa Sen Group, Thép Tôn Đông Á và Khánh Vĩnh Group. Bà Tuyết cũng hợp tác với các hãng luật hàng đầu EU và Hoa Kỳ trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
Trong lĩnh vực đầu tư, doanh nghiệp và M&A, Bà Tuyết có hơn 20 năm kinh nghiệm tư vấn và hỗ trợ các khách hàng trong các dự án đầu tư. Đáng chú ý, bà Tuyết đã hỗ trợ Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Hồ Chí Minh trong việc đàm phán hợp đồng dự án xử lý rác thải với một nhà đầu tư Canada, hỗ trợ và tư vấn khách hàng Thai Group trong dự án hóa dầu – một dự án liên doanh với PVN có tổng giá trị đầu tư lên tới hàng tỷ đô la Mỹ, tư vấn và hỗ trợ khách hàng trong việc phát triển dự án khai khoáng và lọc dầu (thép, bô xít), phát triển dự án điện gió (Ninh Thuận), đầu tư cơ sở hạ tầng khu đô thị và khu công nghiệp, dự án bất động sản và các dự án khác. Hầu hết các dự án này đều có các vấn đề phức tạp như quy hoạch, tài nguyên thiên nhiên, hợp đồng với công ty nhà nước, quy định pháp luật phức tạp và khó khăn khi cấp phép. Ngoài ra, Luật sư Tuyết cũng tư vấn và hỗ trợ khách hàng trong dự án M&A, dự án tài chính có liên quan tới nhiều ngân hàng và người vay. Luật sư Tuyết đã tư vấn cho các tập đoàn trong nước và quốc tế như MPG, SCG, Vingroup, KVG, VISSAI, EY…
Luật sư Tuyết có nhiều kinh nghiệm trong việc làm việc với các cơ quan của Chính phủ Việt Nam bao gồm Bộ Tư Pháp, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các sở ban ngành ở địa phương (đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh như Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường) và các Hiệp hội như VASEP – Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, VSA – Hiệp hội thép Việt Nam, Hiệp Hội Nhựa Việt Nam VPA.
Ngoài ra, luật sư Tuyết cũng được lựa chọn là chuyên gia trong nước tham gia đào tạo cho các cán bộ địa phương trong lĩnh vực tranh chấp đầu tư quốc tế giữa nhà nước và nhà đầu tư do Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, USAID, MULTRAP và Học viện Tư pháp tổ chức. Luật sư Tuyết cũng tham gia giảng dạy về luật thương mại quốc tế, trọng tài quốc tế bao gồm ISDS, hệ thống quy định của pháp luật, các vấn đề của hợp đồng và các vấn đề khác trong Hợp đồng PPP. Bà Tuyết cũng hợp tác giảng dạy với MULTRAP (EU) và GIG-USAID (Hoa Kỳ). Bà Tuyết cũng đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham dự ASEAN & South East Asia General and Commercial Law Seminar tại Đài Loan năm 2018, tại đây, bà Tuyết đã thuyết trình về Đầu tư quốc tế và giải quyết tranh chấp theo các Hiệp định tự do thương mại có sự tham gia của Việt Nam hoặc các quốc gia Châu Á như EVFTA, CPTTP.